Mỗi bài viết trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” như một kết hợp nhuần nhị giữa tạp bút và biên khảo, khi kỷ niệm riêng của những cá nhân được đan xen với tư liệu lịch sử dày dặn, sắc nét. Từng bài viết về đường phố, khu chợ, hàng cây… là một mảnh ghép ký ức sinh động, thấm đẫm hơi thở cũ xưa và cảm giác hoài niệm về Sài Gòn - Gia Định một thuở.

Thước phim quá khứ sống động

Trong phần 1, “Sài Gòn là thương”, tác giả kể về Sài Gòn trong giai đoạn Pháp thuộc cho đến trước năm 1975. “Sài Gòn đối với thế hệ trước 1975 là bánh mì chợ Cũ, là hình ảnh tà áo dài thướt tha trên con đường Duy Tân ‘cây dài bóng mát’, là thanh âm của những bản nhạc bolero trên đài phát thanh hằng đêm, là giờ giới nghiêm khi thành phố chìm vào tĩnh lặng”, tác giả mở đầu cuốn sách.

tcbc-giadinhlanhosaigonlathuong-4-1668570152.jpg

Nhiều địa danh, nhân vật lịch sử và văn hoá của thành phố giai đoạn này được tác giả điểm qua thật sự sinh động và hấp dẫn. Đó là ngôi chợ Bến Thành bao lần long đong dời đổi, có lúc bị hủy diệt, Chợ Cũ hơn một thế kỷ sầm uất trên vỉa hè với thịt quay bánh mì, cơm thố và cà phê dĩa; đó là đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Charner (nay là Nguyễn Huệ) - “đại lộ cà phê”, “phố bánh mì” đầu tiên của Sài Gòn,; hay các trường Kiến trúc, Luật khoa cũ với “khung trời đại học” nổi tiếng trong thi ca…

Mỗi địa danh, tác già bày ra cho người đọc những thông tin, câu chuyện ly kỳ, đầy ngạc nhiên. Độc giả sẽ được giải đáp phần nào về gốc gác của cà phê vợt, tại sao gọi là Hồ Con Rùa nhưng lại không có… con rùa nào, hay sự ra đời của các công trình kiến trúc cũ độc đáo của thành phố.

Còn trong phần 2, “Gia Định là nhớ”, tác giả lùi mốc thời gian về xa hơn, thời điểm 300 năm trước, “một thời mà nơi đây vẫn còn là rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”. Để từ đây, bạn đọc như chiêm ngưỡng những thước phim lịch sử hấp dẫn về những biến động thuở vùng đất mới hình thành: những cơn binh lửa hồi thế kỷ 18; trận chiến bi tráng chống Pháp tại thành Gia Định năm 1859…

Sách còn trình bày về công tác quy hoạch vùng Gia Định qua các thời kỳ: Từ những nét vẽ trục lộ đầu tiên của một người Việt; các thách thức quy hoạch mà người Pháp từng đối mặt; cho đến việc Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch từ giữa thập niên 1960 ra sao.

nguyen-ban-do-gia-dinh-sai-gon-cho-lon-do-tran-van-hoc-ve-nam-18-viet-hoa-boi-nguyen-dinh-dau-anh-tu-lieu-1668570101.jpg
Nguyên bản đồ Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn do Trần Văn Học vẽ năm 1815, việt hóa bởi Nguyễn Đình Đầu - Ảnh tư liệu

Tại sao giữa khu trung tâm được người Pháp quy hoạch vuông vức lại có những con đường không theo trật tự nào? Từ khi nào mà những khu ổ chuột xuất hiện bên cạnh những công trình hoa lệ của “hòn ngọc Viễn Đông”? Bạn đọc sẽ hiểu được phần nào nguồn cội lịch sử cho các vấn đề hạ tầng mà thành phố ngày nay phải đối diện.

Hiểu quá khứ để biết nâng niu những vẻ đẹp còn lại

Trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”, mặc dù trích dẫn tư liệu từ nhiều sử gia, học giả, nhà nghiên cứu, với nhiều hình ảnh tư liệu quý giá, tuy vậy, tác phẩm không khô cứng như… sách giáo khoa lịch sử, mà rất gần gũi, dễ “vào”, một phần nhờ giọng văn như kể - bình dân, mộc mạc, rất Sài Gòn của Cù Mai Công.

Cạnh đó, màu sắc riêng của tác phẩm còn nằm ở những mẩu chuyện thị dân được các nhân vật trong sách người kể lại, thu thập. Và cả nhiều ký ức riêng của chính tác giả: từ mùi cà phê nóng ở chợ Cũ, con đường rợp cây lá trên con đường thuở nhỏ cùng gia đình đi chơi Sở Thú, cho đến khung trời bình yên, mát rượi dưới những tàng cây sao dầu ở cơ quan cũ…

Với bao kỷ niệm, hổi ức riêng đó, một thế hệ bạn đọc 6x, 7x sẽ được dẫn dắt để nhớ về từng hàng cây, con đường, khung trời cũ. Còn người trẻ ngày nay cũng bồi hồi nhận ra lịch sử thành phố này lẫn ký ức của những thế hệ trước thật mênh mông, nhiều lớp lang văn hoá và cảm xúc.

tcbc-giadinhlanhosaigonlathuong-5-1668570101.jpg
 

Trải qua hơn 300 năm, vùng đất Sài Gòn - Gia Định năm xưa giờ đã trở thành một “siêu đô thị” của hơn 10 triệu người sinh sống với nhiều thay đổi. “Đường Dưới - con đường nhỏ hẹp và ẩm ướt từ Sài Gòn vào Chợ Lớn xưa kia - nay đã trở thành đại lộ Đông Tây với hơn 10 làn xe”, Cù Mai Công dẫn chứng. Đáng tiếc thay, nhiều địa danh, công trình kiến trúc, câu chuyện và nề nếp văn hoá độc đáo được đề cập trong cuốn sách đã không còn dễ tìm ở hiện tại.

Khi đọc sách và nhìn vào biến chuyển không ngừng theo dòng thời gian, người đọc ắt sẽ đồng cảm với cái cảm giác ngậm ngùi, tiếc nhớ không thể che giấu của tác giả: “Dẫu biết rằng ‘cái cũ không đi sao cái mới lại’, nhưng chứng kiến một phần đời của mình mất đi, ai mà không cảm thấy tiếc nuối, huống chi đó là kỷ niệm của nhiều thế hệ”.

Cuốn sách nhẹ nhàng đặt ra nhiều suy ngẫm về những nét văn hoá, lịch sử vàng son - “những viên ngọc quý” của TP.HCM vẫn còn hiện diện - điều mà mọi thế hệ luôn cần thận trọng giữ gìn, ghi nhớ trên từng chặng đường phát triển, đô thị hoá.

tcbc-giadinhlanhosaigonlathuong-6-1668570101.jpg
 

“Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” là tập sách đầu tiên của một serie sách mà First News – Trí Việt sẽ phối hợp với tác giả Cù Mai Công để thực hiện gấp trong thời gian tới, gồm: Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó tập 2, Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó tập 3…

Đặc biệt, lần đầu tiên sau 25 năm, sáu tập Sài Gòn by night sẽ được tái bản. Đây là những tập sách best seller ra liên tục trong sáu năm 1997 – 2002 của tác giả Cù Mai Công, ít nhiều gây “chấn động” dư luận thời kỳ đó. Số lượng in mỗi lần 15.000 – 20.000 bản đã hết ngay trong một tuần. Dù lúc ấy có nhiều đề nghị tái bản nhưng do nhiu lý do, tác giả đã không thực hiện được. Các tập sách này đã được đưa vào giảng dạy môn phóng sự ở nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam và đại sứ Mỹ ở Việt Nam lúc ấy đã phải tìm mua.

Lần tái bản đầu tiên này, không chỉ in lại những bài báo về một Sài Gòn về đêm của giới trẻ “ăn chơi” lúc đó mà cũng là lần đầu tiên, tác giả công khai “bí mật hậu trường” của những bài phóng sự ấy.

Về tác giả

Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, làm báo chính thức từ năm 1985.

Suốt gần 40 năm, Cù Mai Công làm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho các tòa báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Online. Hai lĩnh vực mà Cù Mai Công được độc giả biết đến nhiều nhất là khi anh phụ trách nhân vật “Anh Cỏ Cú” trên báo Mực Tím (1988 - 1993) và thực hiện gần 200 bài viết, phóng sự về cuộc sống về đêm của giới trẻ TP.HCM trên báo Tuổi Trẻ (1994 - 2004).

Các tác phẩm đã xuất bản: “Sài Gòn by night” tập 1, 2, 3, 4, 5, 6; “Tuổi mực tím Sài Gòn”; “Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó!”.