Tại Đại hội, ban lãnh đạo Hòa Bình cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tập đoàn gặp nhiều khó khăn do không có dự án lớn, công tác thu hồi nợ chậm và vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp (chỉ 93 tỷ đồng). Điều này tạo áp lực tài chính lớn và khiến công ty không thể vượt qua vòng đánh giá tài chính trong các gói thầu quy mô nghìn tỷ đồng, dù được các chủ đầu tư ủng hộ.
Từ quý III/2024, tình hình tài chính cải thiện rõ rệt. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đạt 842 tỷ đồng, giúp giảm 25% số lỗ luỹ kế và tăng mạnh vốn chủ sở hữu. Từ cuối tháng 10/2024 đến đầu tháng 4/2025, Hòa Bình trúng 14 dự án mới với tổng giá trị hơn 8.500 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 6.421 tỷ đồng (giảm 15% so với năm 2023) nhưng lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 959 tỷ đồng – vượt qua cả mức đỉnh năm 2017. Vốn chủ sở hữu cũng tăng vọt lên 1.748 tỷ đồng, gấp 18 lần đầu năm.
Với đà phục hồi này, Hòa Bình đặt kế hoạch cho năm 2025: Doanh thu mục tiêu: 9.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế: 360 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, nhấn mạnh đây là chỉ tiêu "thận trọng", phù hợp với thực trạng tài chính hiện tại, song Hòa Bình sẽ nỗ lực tối đa để vượt kế hoạch đề ra.
ĐHCĐ cũng thông qua phương án chào bán riêng lẻ tối đa 347 triệu cổ phiếu, huy động khoảng 3.470 tỷ đồng. Khoản vốn này dự kiến phân bổ: 60% để trả nợ vay ngân hàng. 40% phục vụ thi công dự án và thanh toán nhà cung cấp.

Đồng thời, Hòa Bình điều chỉnh mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, gồm: Đại hội đồng cổ đông - Hội đồng quản trị - Ban kiểm soát - Tổng Giám đốc. Đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2025-2029 với 6 thành viên.
Ban lãnh đạo Hòa Bình tin rằng năm 2025, các lĩnh vực như nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ. Một số tổ chức quốc tế cũng dự báo ngành xây dựng Việt Nam có thể tăng trưởng gấp đôi so với năm 2024, mở ra nhiều cơ hội lớn cho Hòa Bình.